Doanh Nghiệp
08:22 28-09-2023Nhựa Rạng Đông: Thua kiện, phải trả 157 tỷ cho Sojitz, xin phát hành cổ phiếu để trả nợ ngân hàng
Việc thua kiện và phải hoàn trả hàng trăm tỷ đồng diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh RDP đang sa sút mạnh. Tính đến thời điểm 30/6/2023, tiền và tương đương tiền của RDP hiện chỉ còn khoảng 28 tỷ đồng, giảm phân nửa so với đầu kỳ.
CTCP Rạng Đông Holding (RDP) vừa công bố thông tin bất thường.
Theo đó, RDP đã thua kiện cổ đông ngoại Sojitz Pla-net Corporation (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản) và phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các khoản phí, lệ phí liên quan.
Chi tiết sự vụ, năm 2016, RDP ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Sojitz. Sojitz sẽ cung cấp nguyên liệu, chuyển giao công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho RDP.
Năm 2017, RDP và Sojitz tổ chức lễ ký kết cổ đông chiến lược. Theo đó, Sojitz mua 5 triệu cổ phần thông thường, đã phát hành và thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần tại CTCP Nhựa Rạng Đông Long An với giá mua hơn 174 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Sojitz, sau khi chuyển nhượng cổ phần nêu trên, RDP đã vi phạm một số nghĩa vụ về việc đáp ứng các điều kiện sau chuyển nhượng. Do đó, căn cứ hợp đồng mua bán cổ phần, Sojitz thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu RDP hoàn trả ngay lập tức 90% giá mua cổ phần đã thanh toán, tương đương gần 157 tỷ đồng.
Tuy nhiên, RDP không hoàn trả nên Sojitz đã tiến hành khởi kiện vụ án tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). Đến ngày 6/7/2022, Hội đồng trọng tài thuộc SIAC đã phán quyết Sojitz thắng kiện. Bị đơn RDP phải trả cho Sojitz số tiền gần 157 tỷ đồng như khoản bồi thường thiệt hại và phải trả cho Sojitz khoản tiền lãi 10%/năm đối với số tiền 157 tỷ đồng, tính từ ngày 1/4/2020 cho đến ngày thanh toán. Đồng thời, RDP còn phải trả phí và lệ phí của hội đồng trọng tài cũng như phí hành chính và lệ phí của SIAC hàng trăm triệu đồng.
Ngày 8/7/2022, Sojitz gửi văn bản yêu cầu RDP thanh toán các khoản tiền theo phán quyết của trọng tài. Tuy nhiên, cho đến nay RDP chưa thanh toán. RDP sau đó khiếu nại và tại Quyết định sơ thẩm vào ngày 10/1/2023, Tòa án nhân dân Tp.HCM đã quyết định không công nhận phán quyết trọng tài SIAC.
Ngày 16/1/2023, Sojitz có đơn kháng cáo toàn bộ quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân Tp.HCM. Sau khi xem xét, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM đã quyết định, chấp nhận kháng cáo của Sojitz, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài quốc tế nói trên.
Thương hiệu nhựa đầu tiên với hơn 60 năm tuổi
RDP trước là Công ty Nhựa Rạng Đông, chuyên sản xuất mua bán hàng nhựa gia dụng, kỹ thuật. Công ty là một tên tuổi lâu năm với tiền thân là hãng UFEOC (Liên hiệp các xí nghiệp cao su Viễn Đông Pháp), thành lập từ đầu thập niên 60.
RDP cũng là một trong những doanh nghiệp nhựa đầu tiên của Việt Nam, chuyên nhập khẩu các thiết bị hiện đại từ Nhật Bản, Đài Loan để sản xuất các loại giả da PVC, PU xốp, khăn trải bàn, màng mỏng PVC, vải tráng PVC, PU, vải dù chống thấm.
Giai đoạn từ 1975-2005, Công ty đổi tên thành Nhà Máy Nhựa Rạng Đông và không ngừng phát triển, mở rộng. Các nhà máy/chi nhánh ở Hóc Môn, Nha Trang, Hà Nội, Nghệ An… lần lượt được thành lập.
Ngày 2/5/2005, Công ty được cổ phần hoá, chính thức đi vào hoạt động với tên gọi CTCP Nhựa Rạng Đông, sau đó lên sàn HoSE năm 2009. Hiện, ông Hồ Đức Lam là Chủ tịch RDP và sở hữu hơn 50% cổ phần tại đây. Ông Hồ Đức Lam là anh em ruột với ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Bóng đèn Điện Quang (DQC). Ông Hồ Đức Dũng (con ông Lam) là thành viên HĐQT của RDP.
Việc thua kiện và phải hoàn trả hàng trăm tỷ đồng diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh RDP đang sa sút mạnh. Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản Công ty vào mức 2.379 tỷ. Tiền và tương đương tiền của RDP hiện chỉ còn khoảng 28 tỷ đồng, giảm phân nửa so với đầu kỳ. Vốn chủ hơn 668 tỷ đồng, nợ vay lên đến 1.274 tỷ đồng.
Cổ phiếu RDP bị cảnh báo do thua lỗ
Do lỗ luỹ kế, cổ phiếu RDP bị HoSE đưa vào diện cảnh báo. Nói về vấn đề này, Công ty cho biết đã có lộ trình cải thiện kinh doanh như:
+ Khai thác và mở rộng thị trường để tăng doanh thu, đặc biệt mảng bao bì và xuất khẩu y tế;
+ Nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm;
+ Tìm nhà đầu tư chiến lược cùng đồng hành;
+ Vận hành hiệu quả nhà máy Rạng Đông Healthcare chuyên sản xuất vật tư y tế...
Công ty dự kiến sẽ khắc phục được tình trạng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm và đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo từ 31/12/2024.
Công ty cũng vừa thông qua phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu, giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số tiền thu về Công ty dự dùng để trả nợ ngân hàng, thời gian thực hiện trong quý 4/2023-quý 2/2024.
Được biết, nhà đầu tư tham gia toàn bộ là cá nhân, riêng lãnh đạo cao nhất Công ty mua đến 17 triệu cổ phiếu, tượng đương tỷ lệ sở hữu tại RDP sau phát hành lên đến 52,6% vốn.
Tin liên quan
- Xi măng Công Thanh âm vốn gần 5.800 tỷ, chi phí lãi vay 9.000 tỷ, 2 ngân hàng lớn gánh 7.300 tỷ vay nợ
- Nỗi buồn cuối năm của nhân viên Thế giới di động: Từng được thưởng Tết tới 9 tháng lương, nay đối mặt với thông tin 200 cửa hàng bị đóng cửa
- Chiếm gần 50% thị phần trong nước, công ty lớn nhất ngành sữa Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
- Vịnh giải trí Safabay Cẩm Phả đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường