clock

Doanh Nghiệp

08:08 30-10-2023

Lợi nhuận giảm 90%, công ty có gần 10.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đang kinh doanh ra sao?

Tổng tài sản của công ty đạt 14.715 tỷ đồng, trong đó, tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản.

Phân bón là một mặt hàng quan trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiện nay, tổng nhu cầu phân bón các loại mỗi năm của Việt Nam khoảng 11 – 12 triệu tấn, trong đó năng lực sản xuất đang thiếu khoảng 4 triệu tấn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, Việt Nam nhập khẩu 471.177 tấn phân bón tương đương với trị giá hơn 156 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 2% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nước ta chi hơn 995 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,9 triệu tấn phân bón các loại, tăng 20,4% về lượng nhưng giảm 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thị trường trong nước, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất phân bón tại Việt Nam. Doanh nghiệp này có nhà máy sản xuất phân đạm ure hạt đục hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

DCM mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023. DCM ghi nhận doanh thu quý 3/2023 đạt 3.151 tỷ đồng (giảm 8,9% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận ròng của công ty sụt giảm mạnh, chỉ đạt 73,7 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ và giảm 74,4% so với quý trước. Với sản lượng tiêu thụ ure quý 3 tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 230 nghìn tấn, mức giảm của doanh thu và lợi nhuận ròng chủ yếu là do giá bán ure giảm 35% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận giảm 90%, công ty có gần 10.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Căng thẳng nguồn cung phân bón toàn cầu cải thiện cùng với giả khi đốt ở Châu Âu hạ nhiệt đã làm giá bán ure giảm mạnh so với mức đỉnh lịch sử của năm 2022. Trong khi đó, chi phi giá khi đầu vào lại không giảm mặc dù giá dầu giảm 14% so với cùng kỳ do DCM áp dụng cơ chế tinh giá khí mới. Kết quả là, biên lợi nhuận gộp quý 3/2023 giảm còn 5,9%, thấp hơn mức biên gộp 30% cùng kỳ năm trước.

 

Cùng với đó, so với kết quả kinh doanh quý 2/2023, doanh thu và lợi nhuận ròng quý 3/2023 cũng sụt giảm mạnh lần lượt 8,5% và 74,4%. Nguyên nhân là do trong quý 3/2023, do tính chất mùa vụ, DCM đẩy mạnh xuất khẩu phân bón, với sản lượng ure xuất khẩu tăng 93,5%, để bù đắp cho nhu cầu ure trong nước thấp. Tuy nhiên giá bán ure xuất khẩu lại giảm 8,7% trong khi chi phí giả khi đầu vào tăng 5%. Sản lượng kinh doanh NPK giảm 43%. Cùng với đó, chi phí bán hàng tăng 29,7% do DCM đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường và hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của DCM đạt 9.436 tỷ đồng (giảm 20,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 613,8 tỷ đồng (giảm 81,2% so với cùng kỳ). Năm 2023, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.383 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 47% kế hoạch năm. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán ACBS, tới năm 2024, DCM đạt doanh thu 10.726 tỷ đồng (giảm 10%) và lợi nhuận ròng 1.365 tỷ đồng (tăng 19,3%).

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau đạt 14.715 tỷ đồng. Tiền và tiền gửi ngân hàng của Đạm Cà Màu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, với giá trị lên đến 9.817 tỷ đồng. Nợ phải trả là 5.146 tỷ đồng, tăng 1.585 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ ngắn han của Công ty ghi nhận là trên 4.426 tỷ đồng, chủ yếu do dự phòng phải trả ngắn hạn tăng gần 630 tỷ đồng, vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn tăng thêm 290 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn tăng thêm gần 650 tỷ đồng…

Tính đến hết tháng 9/2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt 9.568 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 5.294 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.795 tỷ đồng.

Liên quan đến cổ phiếu, giá mục tiêu của cho cổ phiếu DCM đến cuối năm 2024 theo đánh giá của ACBS là 34.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng tỷ suất lợi nhuận 15,1%.

Lợi nhuận giảm 90%, công ty có gần 10.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 3.

Trong một diễn biến khác, ngày 20/10 vừa qua, DCM thông báo về chủ trương mua lại vốn góp tại doanh nghiệp phân bón thuộc sở hữu của một tập đoàn Hàn Quốc - Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF).

KVF được thành lập theo hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm 51% vốn góp từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) và 49% vốn góp từ Huchems (công ty thành viên của Taekwang) - doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hóa chất tinh chế tại Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul. Nhà máy NPK Hàn – Việt của KVF có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD, công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm.