clock

Trong Nước

07:58 13-10-2023

Việt Nam đang có cơ hội làm giàu từ các sản vật trời ban, một đặc sản kiếm sương sương 276 triệu USD trong một năm

Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số ‘sản vật trời ban’ này. Trong tương lai, các mặt hàng này có thể mang về cho nước ta hàng tỷ USD.

Việt Nam đang có cơ hội làm giàu từ các ‘sản vật trời ban’, một đặc sản kiếm ‘sương sương’ 276 triệu USD trong một năm - Ảnh 1.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Năm 2021, châu Á là thị trường nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu với 45% thị phần, tiếp theo là châu Âu (28%). Trong đó, hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển.

Đáng chú ý, từ năm 2019 đến năm 2021, thị trường châu Âu tiếp tục tăng nhập khẩu, đặc biệt từ các nước đang phát triển. Nhập khẩu gia vị và hương liệu trong giai đoạn này tăng với tốc độ hàng năm là 9%, đạt 1,8 tỷ euro và chiếm 60% lượng nhập khẩu của châu Âu.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, do đặc thù của thị trường châu Âu và ngành thương mại, chế biến, các thị trường chính nhập khẩu gia vị được dự báo sẽ giữ nguyên trong những năm tới. Cơ hội cho các loại gia vị và hương liệu của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, giá cả và chứng nhận.

Các quốc gia châu Âu mang lại nhiều cơ hội nhất là Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha. Dựa trên số liệu thống kê nhập khẩu, các loại gia vị và thảo dược có thị phần và hiệu quả tốt nhất tại thị trường châu Âu là gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, húng tây và nhục đậu khấu.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới, việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

Ngược lại, yêu cầu ngày càng tăng của người mua và những thay đổi về luật pháp có thể là mối đe dọa đối với các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nhà cung cấp mới chưa quen với các yêu cầu này. Các loại gia vị ngày càng được kiểm tra về chất gây dị ứng, độc hại và tính xác thực, vì vậy điều quan trọng là phải theo kịp các động lực thị trường này để duy trì vị thế là nhà cung cấp cạnh tranh cho thị trường châu Âu.

Hiện nước ta tự hào đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.

Các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu.... Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm gia vị. Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.

Diện tích quế ở Việt Nam chiếm 17% diện tích quế toàn cầu

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm Nghiệp, giá trị xuất khẩu quế - hồi đã liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, chiếm hơn 8,3% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả. Năm ngoái đã tăng lên 276 triệu USD. Kết quả này, có vai trò quyết định không nhỏ từ việc chuyển các vùng nguyên liệu sang hữu cơ hoặc hướng hữu cơ.

Theo Bộ Công Thương, riêng đối với cây quế, diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.

Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc. Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.

Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.