clock

CEO Việt

13:42 09-09-2015

TGĐ Công ty Truyền hình cáp STV: Nội dung là số 1

Là một trong những người tiên phong đón nhận làn sóng xã hội hóa truyền hình, cái tên Lê Đình Trọng, Tổng giám đốc Công ty Truyền hình cáp STV, gắn với một loạt ký sự gây ấn tượng với khán giả suốt nhiều năm qua như Huyền bí sông Hằng, Hành trình theo chân Bác…

Ảnh: Quý Hòa

Gần 20 năm trong ngành với cả thăng lẫn trầm, ông vẫn nuôi hoài bão dùng truyền hình chuyển tải nét đẹp văn hóa truyền thống đến cộng đồng. Với Lê Đình Trọng, rating (tỷ lệ người xem) có thể không cao nhưng nội dung chương trình đem đến cho khán giả phải làm họ hài lòng.

Sở hữu hai kênh truyền hình nổi tiếng là Style TV, Info TV, ít ai biết xuất phát điểm của Công ty Truyền hình cáp STV chỉ là một công ty truyền thông, chuyên làm sự kiện cho các thương hiệu tham gia SEA games.

Làm việc nhiều với những nhân sự trong ngành truyền hình, ngay khi biết có chủ trương để tư nhân tham gia lĩnh vực cung cấp nội dung truyền hình, Lê Đình Trọng lập tức "đón gió” bằng những chương trình ấn tượng trên sóng VTV như Chuyện lạ Việt NamTôi yêu Việt Nam...

Đến tận bây giờ, những chương trình ấy vẫn còn hiện diện trên sóng truyền hình và Style TV đã là kênh có mặt trong Top 5 kênh truyền hình được xem nhiều nhất trên hệ thống truyền hình trả tiền ở Hà Nội và Top 10 ở khu vực TP.HCM.

* Gia nhập ngành truyền hình từ sớm nhưng mãi đến năm 2008, STV mới chính thức vận hành một kênh truyền hình riêng. Điều gì khiến ông chậm chân đến thế?

- Khi tham gia xã hội hóa truyền hình, tôi cùng các thành viên sáng lập khác đã thống nhất con đường phát triển của STV và Style TV ra đời sau 8 năm chúng tôi tham gia thị trường, không quá trễ so với kế hoạch ban đầu, bởi chúng tôi phải trải qua một hành trình dài chuẩn bị trước đó: đầu tư thiết kế chương trình, xây dựng thương hiệu, đầu tư trường quay...

Linh hồn lẫn thể xác của một kênh truyền hình sẽ là con số 0 nếu thiếu nội dung. Hành trình chuẩn bị dài hơi như thế giúp chúng tôi tích lũy kinh nghiệm để có thể giảm thiểu va vấp. Kết quả rõ nhất là lợi thế về mặt nội dung.

Hiện, Style TV là một trong những kênh có nhiều chương trình nhất. Kinh doanh kênh truyền hình đòi hỏi đầu tư rất lớn, nếu không thận trọng sẽ không khác gì "đốt tiền nấu trứng"!

* Nhưng rõ ràng đây vẫn là ngành nhận được rất nhiều đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) lớn?

- Điều này tôi không phủ nhận, làm truyền hình mà không được DN quan tâm, khán giả thừa nhận thì thất bại chỉ là chuyện sớm muộn. Người ta vẫn truyền tai nhau rằng ngành truyền hình rất dễ ngây nghiện vì hấp lực vốn có của nó, nhưng mấy ai biết ngành nào cũng có cái khó riêng.

Trong khi các ngành kinh doanh sản phẩm hữu hình nắm trong tay sản phẩm thực, được định lượng rõ ràng thì chúng tôi lại kinh doanh sản phẩm ảo, gần như thiên về định tính. Cụ thể, chúng tôi đâu bán bộ phim hay game show mà bán giá trị quảng bá cho thương hiệu xuất hiện trong game show hay bộ phim ấy.

Người mới nghe qua sẽ cảm thấy giá trị sản phẩm chúng tôi đang kinh doanh mang tính chất... cảm tính, nhưng người làm lâu trong nghề sẽ hiểu hơn thua nhau ở chỗ khéo léo chuyển định tính sang định lượng để thuyết phục được khách hàng và quan trọng hơn hết là gây dựng được niềm tin nơi khán giả.

Khán giả chính là cứu tinh của chúng tôi, mỗi một người ghé thăm kênh vào bất kỳ thời khắc nào đều được chúng tôi biết ơn và trân trọng như nhau. Nói một cách dễ hiểu là chúng tôi phục vụ khán giả bằng cái tâm hết sức trong sáng và kiếm sống bằng... kỹ năng thuyết phục DN. Còn gì vui sướng hơn việc dốc hết tâm để phục vụ cộng đồng mà vẫn có thể kiếm sống?

* Nhưng việc chạy theo số đông khán giả rất có thể trở thành con dao hai lưỡi?

- Điều đó không sai. Mục tiêu của Style TV là làm hài lòng khán giả chứ không phải chạy theo thị hiếu đám đông. Rất nhiều người thắc mắc vì sao chúng tôi đầu tư khung giờ Hài dân gian hay các chương trình văn hóa giao thông, văn hóa đời sống người xưa...

Rõ ràng đây là những chương trình không thể tạo hiệu ứng truyền thông, không thu hút rating ngất ngưởng nhưng chúng vẫn có thể làm hài lòng số ít khán giả. Chúng tôi đi vào thị trường ngách nhưng con số khán giả ít ỏi ấy lại làm nên thành công cho Style TV. Khán giả dễ bị thu hút bởi những chương trình đình đám nhưng lại luôn tìm kiếm những giá trị tốt đẹp.

* Nghĩa là Style TV làm chơi mà ăn thật?

- Trong kinh doanh không có chuyện làm chơi, nhất là ngành truyền hình trả tiền với sự cạnh tranh khốc liệt từng phút từng giây. Cứ nhìn lại hành trình gần 20 năm xã hội hóa truyền hình sẽ thấy, thời kỳ đầu, số lượng nhà đầu tư lên đến 40 - 50 nhưng nay chỉ còn khoảng 10 cái tên còn bám trụ với ngành. Nghề này đòi hỏi lắm công phu và nhất là phải đủ nhạy bén thì mới có thể làm hài lòng trăm họ.

Đến giờ, vị trí của Style TV trong lòng khán giả hai miền cũng khác. Thành công ở đất Bắc nhưng khi "Nam tiến", Style TV đã không thể gặt hái được thành quả ngay.

Quen với "khẩu vị” khán giả miền Bắc, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều mới cải thiện được vị trí của mình trong lòng khán giả miền Nam. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, chúng ta là đầu bếp, món ăn của mình chưa vừa miệng khách hàng trong Nam thì phải nêm nếm lại cho đến khi nào vừa miệng khách mới thôi.

* Ông có thể cho biết cách thức ông "nêm nếm" lại Style TV?

- Tất cả phải dựa trên số liệu. Thất bại ở miền Nam dù rất thuận lợi ở miền Bắc buộc chúng tôi phải đầu tư nhiều cho khâu khảo sát xu hướng người xem truyền hình. Kết quả khảo sát của những đơn vị nghiên cứu độc lập giúp chúng tôi hiểu được vì sao mình thất bại.

Dựa trên kết quả ấy, Style TV đã đầu tư làm mới những chương trình của mình. Bản thân tôi dù đã vào định cư tại TP.HCM, xây dựng gia đình tại đây, cũng chưa dám nói rằng mình thông thuộc văn hóa, đời sống của người phương Nam. Do vậy, với thị trường này, chiến lược của Style TV là đi từng bước chậm.

Sau khi có số liệu, chúng tôi bắt tay vào việc thay đổi nội dung. Những người làm SEO nằm lòng một thuật ngữ: "Content is king" (tạm dịch: Nội dung là vua). Nội dung là số 1, với tôi, câu này không chỉ đúng với các DN kinh doanh trên internet mà cũng rất đúng với các DN trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Kênh truyền hình mà không được đầu tư về nội dung thì chẳng khác nào có xác mà không có hồn. Style TV đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả xem truyền hình bằng những chương trình giải trí đặc sắc, được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung.

* Mới đây, STV tiếp quản kênh truyền hình Info TV và sắp tới là Yan TV. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Những dự án này nằm trong kế hoạch mở rộng hệ sinh thái của STV. Chúng tôi đã có một kênh truyền hình thuần về đời sống, sản xuất được chương trình truyền hình, phim truyền hình cung cấp cho các đài, nhập khẩu các nội dung truyền hình nước ngoài...

STV cần thêm các kênh truyền hình chuyên biệt về kinh tế và giới trẻ... Ngoài ra, tập trung vài kênh truyền hình vào một đầu mối là STV cũng sẽ giúp chúng tôi quản lý tốt hơn, tận dụng được nguồn nhân lực.

* Xu hướng số hóa và việc kinh doanh internet đang tích hợp với cung cấp dịch vụ xem truyền hình trên đường truyền internet. Điều này có mở ra hướng đi mới cho ngành truyền hình trong nước không, thưa ông?

- Đó là xu thế của tương lai và người làm truyền hình đang rất mong đợi thời điểm đó. Khi việc tiếp cận các dịch vụ truyền hình dễ dàng hơn thì các kênh truyền hình sẽ có thêm cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, kinh doanh truyền hình vẫn phụ thuộc vào hệ thống cáp nên số lượng khán giả tiếp cận truyền hình cáp vẫn còn hạn chế. Style TV cũng từng có giai đoạn rất khó khăn về tài chính, thậm chí nợ lương nhân viên đến 2, 3 tháng. May mà chúng tôi vẫn trụ được sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn ấy!

* "Phép lạ” nào giúp ông giữ Style TV trụ được trong khó khăn?

- Chẳng có phép lạ nào ngoài sức người. Trong giai đoạn khó khăn nhất của Style TV, rất mừng là nhân viên của chúng tôi không ra đi mà vẫn ở lại, cùng dồn sức để vượt khó. Sự đồng cam cộng khổ, cố gắng của cả tập thể đã trở thành phép lạ.

* Quản lý hơn 200 con người ở cả hai miền Nam, Bắc, điều gì giúp ông giữ chân được nhân tài ngay cả trong lúc khó khăn như thế?

- Tôi không dùng kỷ luật để quản lý con người mà tôn trọng, chia sẻ với nhân viên tuyệt đối. Trước khi quyết định việc gì, tôi thường tham khảo ý kiến nhân viên cấp dưới. Thành quả của mỗi dự án tôi đều cho mọi người thấy nó là của tập thể chứ không phải của riêng tôi, người điều hành, hay các nhà đầu tư.

Có lẽ vì vậy mà nhân viên xem việc của Công ty cũng là việc của mình nên dốc sức để làm cho tốt. Ngược lại, khi Công ty làm ăn phát đạt cũng phải chia sẻ với nhân viên phần lợi nhuận tương xứng với công sức họ bỏ ra.

* Có vẻ như ông đang lý tưởng hóa mô hình kinh doanh của một DN?

- Ở đây có lẽ chỉ là quan niệm sống cá nhân. Tôi quan niệm, giá trị kinh tế trong xã hội là việc luân chuyển vật chất. Khi kinh doanh tốt, tôi thấy mình phải có trách nhiệm san sẻ cho những người cùng mình kiếm tiền và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trừ những trường hợp đặc biệt thì kiếm tiền đến một mức nào đấy, người ta sẽ có nhu cầu cho đi. Lúc này, việc nhận không chỉ đơn phương mà ở cả hai phía. Người cho cũng nhận được rất nhiều thứ. Tóm lại, nói một cách đơn giản là kinh doanh phải tốt thì mới làm từ thiện được.

* Có thể hiểu do ông giàu có, dư dả nên mới nhận nuôi trẻ mồ côi, đồng hành cùng những chương trình thiện nguyện...?

- Những ngày gần đây, trên mạng xã hội có nhiều chia sẻ về hình ảnh khác biệt giữa nơi ăn chốn ở của người giàu và người nghèo khi còn sống. Một bên là biệt thự có hồ bơi hoành tráng, một bên là túp lều rách nát. Và dưới hai bức hình ấy là một tấm ảnh chung cho cả hai: một hố đất vừa đủ chỗ cho chiếc quan tài.

Tôi xem giàu có là phù phiếm và những của cải mình có là một lợi thế, cho phép mình để lại những dấu ấn trong đời sống này. Sau khi tôi nằm xuống, cái tôi để lại không phải là nhà cửa, của cải hay một trại nuôi trẻ mồ côi mà là tình cảm của những người còn ở lại.

Họ nghĩ về tôi thế nào? Họ đau buồn hay không quan tâm đến cái chết của tôi? Bằng việc giúp sức, mang đến cơ hội học tập, mưu sinh cho trẻ mồ côi..., tôi mong mình sẽ để lại những dấu ấn tốt trong tâm trí nhiều người.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ.

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện
Theo danhnhansaigon.vn