DU LỊCH
08:27 19-10-2022Phát triển Cần Giờ là thành phố du lịch biển
TP.HCM đã chính thức ban hành nghị quyết riêng nhằm phát triển du lịch, đột phá kinh tế Cần Giờ sau gần 30 năm huyện này yên vị làm “người đẹp ngủ say”. Quyết tâm của lãnh đạo TP kỳ vọng tạo ra cú hích về đời sống, kinh tế, xã hội cho Cần Giờ nói riêng và TP nói chung.
Thành phố biển nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực
Nghị quyết về định hướng phát triển H.Cần Giờ đến năm 2030 vừa được Thành ủy TP.HCM ban hành, xác định đến năm 2030, H.Cần Giờ cơ bản trở thành TP nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Mục tiêu đặt ra, tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của huyện tăng 20,7%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thành ủy TP.HCM xác định quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong đó, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040 để Cần Giờ trở thành hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Kinh tế Cần Giờ được định hướng phát triển trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Song song, có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển đô thị phù hợp quy hoạch.
Đặc biệt, TP.HCM xác định rõ sẽ phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của TP biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển.
“Cần đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; kết nối với các tuyến du lịch quốc tế thông qua cảng hành khách quốc tế trên luồng Sài Gòn - Vũng Tàu; hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo quy hoạch được phê duyệt. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030 đạt 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm”, Nghị quyết nêu rõ.
Mở “mỏ vàng du lịch”
Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM tính chuyện phát triển du lịch Cần Giờ. Nằm cách trung tâm TP khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập. Đây là vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú về động thực vật, được UNESCO công nhận là “khu dự trữ sinh quyển” thế giới đầu tiên tại VN. Từ 2005, Cần Giờ đã được định hướng phát triển du lịch sinh thái; nhưng đến nay huyện đảo này vẫn chỉ dừng lại ở danh xưng “người đẹp ngủ say”.
Là người tham gia quy hoạch du lịch TP.HCM từ năm 1996, khi Rừng Sác còn chưa được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch VN, đánh giá việc thúc đẩy du lịch Cần Giờ đến nay mới được quyết liệt thực hiện là quá muộn. “Từ thời đó, chúng tôi đã có phương án khai thác Cần Giờ cho phát triển TP.HCM, nhưng rất tiếc là gần 30 năm trôi qua, ngành du lịch huyện đảo chỉ mang tính cục bộ, nhỏ lẻ, manh mún”, TS Lương nhận định.
Song, muộn còn hơn không. Theo ông Phạm Trung Lương, thời điểm lập quy hoạch du lịch TP năm 1996, các chuyên gia đã xác định Cần Giờ là một kho tài nguyên quý báu của TP.HCM. Do đó, Rừng Sác ngoài ý nghĩa là “lá phổi xanh” còn có ý nghĩa quan trọng là khai thác các giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái ngập mặn nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của TP. Cần Giờ còn là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng theo 2 hướng: nghỉ dưỡng biển và nghỉ dưỡng trong rừng. Đó là lý do từ cách đây 20 năm, Cần Giờ đã được quy hoạch xây dựng một đô thị du lịch, ngư dân địa phương sẽ là người hưởng lợi. Đây là hướng đi đúng vì ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, đó là giảm tải hạ tầng, hỗ trợ giãn dân khi quy mô dân số của TP.HCM tăng.
Nhận định của TS Phạm Trung Lương cũng là quan điểm xuyên suốt của TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN. Thậm chí, ông Nam từng đề xuất TP phải xây dựng sân bay chuyên dùng tại Cần Giờ để đón chuyên cơ của những tỉ phú, chính khách, những “đại gia” trên thế giới, bởi theo ông: “Nếu TP.HCM muốn đột phá kinh tế, phát triển du lịch biển, chỉ có thể là Cần Giờ!”.
TS Lương Hoài Nam đánh giá trong kế hoạch đột phá du lịch của huyện đảo được đề cập trong Nghị quyết vừa ban hành của Thành ủy, dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là dự án thế kỷ, rất khó nhưng đáng làm đối với sự phát triển của TP. Trên thế giới có không ít dự án lấn biển đã trở thành biểu tượng du lịch, biểu tượng quốc gia.
“Có những nơi lấn biển vì họ thiếu đất, như Singapore lấn biển để xây sân bay, làm casino, phát triển bất động sản. Song, cũng có những nơi như Dubai, xung quanh toàn sa mạc, họ vẫn chọn lấn biển để phát triển du lịch biển đẳng cấp. Cần Giờ cũng vậy. Trên bờ là rừng ngập mặn của khu dự trữ sinh quyển phải bảo vệ, không được đụng đến. Muốn đột phá du lịch, phát triển kinh tế thì cũng phải bằng cách lấn biển”, ông Nam nhấn mạnh.
Đưa TP.HCM tiến biển
Khẳng định khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch Cần Giờ nếu được đầu tư bài bản sẽ mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh, chuyên gia quy hoạch, nhắc lại: Ngày 30.5.2020, Thủ tướng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã họp tại Bà Rịa-Vũng Tàu và nhận định TP.HCM cùng 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương”, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm so với cả nước trong mục tiêu VN hùng cường, thịnh vượng, tức là trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035. Nếu suy luận trên bản đồ, có thể thấy “bát giác kim cương” nói trên đang khuyết một cạnh, ở chính nơi quan yếu nhất là mặt tiền biển xác định bởi 3 điểm thuộc 3 tỉnh là Gò Công Đông (Tiền Giang) - Cần Giờ (TP.HCM) - Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).
“Để tiến ra biển, một trong những nét chính là cần tiếp cận gần hơn nữa với hành lang hàng hải quốc tế, thay vì chỉ là một TP lùi sâu phía sau H.Cần Giờ. Việc tạo dựng mối liên kết này không phải bằng đường bộ mà thông qua mô hình liên kết chùm đô thị biển sẽ tạo ra bước ngoặt lớn để hoàn thiện mô hình phát triển vùng đô thị. Điều này không chỉ vì lợi ích cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn mở ra cơ hội thông thương đường thủy mới cho vùng ĐBSCL”, kiến trúc sư Anh nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cũng khẳng định với lợi thế là cửa ngõ cảng biển từ khi mới hình thành, nhiệm vụ chính của TP hiện nay là nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng hiện hữu, phát triển mạnh hơn những công ty, tập đoàn vận tải biển, hoàn thiện mô hình đô thị biển đẳng cấp… Trong đó, lấn biển Cần Giờ với mức độ phù hợp với bảo vệ rừng ngập mặn, phù hợp môi trường sinh thái là ý tưởng mà TP.HCM đã đề ra từ lâu.
“Biển Cần Giờ mang những đặc trưng riêng sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn cho đô thị biển TP.HCM so với những vùng biển du lịch miền Trung hiện nay. Hệ thống du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ đẳng cấp tại Cần Giờ không chỉ đặt nền móng cho hành trình tiến biển của TP mà còn trở thành điểm nhấn mới để TP.HCM đột phá du lịch, bứt phá kinh tế”.
TS Trần Du Lịch (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM)
Theo Thanh Niên