clock

Trong Nước

08:00 18-10-2023

Nước có quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam bị dự báo tăng trưởng chậm lại, nước ta có thể dẫn đầu Đông Nam Á

Láng giềng này bị cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 từ 3,6% xuống 3,4%.

Nước có quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam bị dự báo tăng trưởng chậm lại, nước ta có thể dẫn đầu Đông Nam Á - Ảnh 1.

Tờ The Nation (Thái Lan) dẫn tin từ Ngân hàng Thế giới, tổ chức này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan vào năm 2023 từ 3,6% xuống 3,4% trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực được dự báo sẽ chậm lại trong năm nay.

Ngân hàng cũng điều chỉnh giảm dự báo GDP của Thái Lan trong năm 2024 xuống 3,5% so với ước tính 3,7% đưa ra hồi tháng 4. Sự phục hồi kinh tế của Thái Lan đang tụt hậu so với các nước ASEAN khác và xuất khẩu giảm sút đặt ra thách thức ngày càng lớn.

Tốc độ tăng trưởng dự kiến của Thái Lan nằm trong số thấp nhất ở khu vực Đông Á, chỉ trước Myanmar ở mức 3% vào năm 2023. Mặc dù GDP của Thái Lan được dự đoán sẽ tăng nhẹ trong năm tới nhưng nước này vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngân hàng Thế giới vẫn duy trì ước tính tăng trưởng GDP 5,1% cho Trung Quốc trong năm nay nhưng cắt giảm dự báo năm 2024 cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 4,8% xuống 4,4%.

Ngân hàng lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế ở Thái Lan chậm hơn so với các nước ASEAN khác và xác định xuất khẩu giảm là một thách thức leo thang. Tổ chức này cũng xác định nợ hộ gia đình ngày càng tăng, các tác động liên quan đến khí hậu và những bất ổn chính trị là những rủi ro tiêu cực đối với triển vọng kinh tế của Thái Lan.

Nợ công của Thái Lan ở mức 60% GDP, chưa được coi là rủi ro. Tuy nhiên, nợ hộ gia đình của Thái Lan, vào khoảng 80% GDP, là mức cao nhất trong khu vực và đáng lo ngại hơn, ngân hàng cho biết.

Tổ chức này cho biết Thái Lan phải đối mặt với những thách thức cơ cấu trung hạn làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng, bao gồm dân số già, biến đổi khí hậu, tích lũy đầu tư không đủ, khả năng cạnh tranh xuất khẩu giảm và nợ hộ gia đình đáng kể. Căng thẳng tài chính do nợ quá mức và tác động của điều kiện khí hậu đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương vẫn là trở ngại đáng kể cho việc giảm nghèo.

Nước có quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam bị dự báo tăng trưởng chậm lại, nước ta có thể dẫn đầu Đông Nam Á - Ảnh 2.

Theo HSBC, dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tới đều dẫn đầu Đông Nam Á. Ảnh minh hoạ.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5%

Ông Frederic Neumann, Giám đốc điều hành, Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5% vào năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,24%. Với kết quả này, ông Frederic Neumann, Giám đốc điều hành, Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại HSBC dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5% vào năm 2023, nghĩa là tăng trưởng quý 4 sẽ vào khoảng 6%.

Theo HSBC, mặc dù tốc độ tăng trưởng năm nay thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra nhưng đây là sự phục hồi phi thường nếu so sánh với các nền kinh tế khác.

Theo HSBC, dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tới đều dẫn đầu Đông Nam Á. Động lực từ xuất khẩu là tích cực do cuối năm có nhiều ngày nghỉ lễ và chính sách tiền tệ tại các thị trường lớn được nới lỏng. Chỉ số mua hàng PMI đã vượt qua mức trung bình. Động lực thứ hai là chi tiêu trong nước, bao gồm tiêu dùng và mua sắm của chính phủ, được dự báo sẽ tăng.

 

Trong tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng, khu vực dịch vụ tăng hơn 6,3% (đóng góp 69%).

Theo HSBC, điều này cho thấy tác động tích cực của các giải pháp hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, từ đó giảm áp lực đầu ra, ổn định giá cả thị trường nói chung và thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

Du lịch cũng được đánh giá cao khi Việt Nam đứng đầu ASEAN về tổng lượng khách du lịch năm nay, tăng trưởng 80% so với năm 2019.

Theo ông Frederic, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn như FED tăng lãi suất, đồng USD mạnh và xuất khẩu giảm. Trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ - nước xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam - chậm lại, xuất khẩu sang châu Âu cũng khó có khả năng tăng mạnh.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng, mặc dù sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản.

Một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là ngành du lịch. Du lịch Việt Nam đã có nhiều cải thiện, đặc biệt với chính sách nới lỏng visa. HSBC cho rằng, Việt Nam có thể kỳ vọng phục hồi 100% trong những tháng cuối năm với sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc.

HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,3%, tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo là 4,6%, tăng trưởng của Mỹ là 1,4%, tăng trưởng của Indonesia là 5%...

Năm 2022, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.037 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.482 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Philippines xếp thứ 4 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.171 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.135 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 719,08 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.

Myanmar, Campuchia, Lào, Brunei và Đông Timor lần lượt xếp thứ 7, 8, 9, 10, 11 với quy mô GDP (PPP) đạt 261,17 tỷ USD; 89,57 tỷ USD; 68,84 tỷ USD; 31,14 tỷ USD; 7,5 tỷ USD vào năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.451 tỷ USD, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.399 tỷ USD.

Thái Lan được dự báo xếp thứ 2 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.591 tỷ USD. Philippines xếp thứ 4 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.289 tỷ USD. GDP (PPP) Malaysia đạt khoảng 1,231 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.