clock

DU LỊCH

06:42 08-12-2015

Liên kết nâng tầm du lịch Tây Nguyên

Để trở thành 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước trong Chiến lược Phát triển du lịch của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Tây Nguyên cần có sự phối hợp nhịp nhàng với các địa phương lân cận nhằm khai thác hết tiềm năng và thế mạnh.

Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái, cảnh quan rừng núi phong phú da dạng, có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như Măng Đen, Biển Hồ, Vườn quốc gia York Đôn, Hồ Yaly.

“Người đẹp chưa tỉnh giấc”

Tây Nguyên bao gồm 6 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng. Hiện nay, với những đặc trưng văn hoá, lịch sử, địa lý của mình, Tây Nguyên đã và đang sở hữu một tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng du lịch Tây Nguyên như một “người đẹp chưa tỉnh giấc” đang cần “một chàng hoàng tử” để đánh thức.

Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái, cảnh quan rừng núi phong phú da dạng, có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như Măng Đen, Biển Hồ, Vườn quốc gia York Đôn, Hồ Yaly... Với vị trí ở ngã ba Đông Dương, tiếp giáp và có chung đường biên giới với Lào và Campuchia, đây là khu vực có sự đa dạng về văn hoá, là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.

Tây Nguyên có đông dân tộc anh em (Bana, Ê Đê, Giẻ, J’rai…), điều này tạo ra sự đa dạng về văn hóa, cùng với nhiều lễ hội độc đáo trải dài khắp khu vực (lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội đua voi, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng...). Những thế mạnh đó giúp Tây Nguyên có thể phát triển được các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.

Theo thống kê, năm 2014, Tây Nguyên đón trên 400.000 lượt khách quốc tế và 2,5 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,3% GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tài nguyên du lịch của Tây Nguyên chưa được khai thác bài bản và đạt  giá trị thấp hơn so với tiềm năng. Nguyên nhân là do thiếu tầm nhìn trong đầu tư, quảng bá chưa tiếp cận được thị trường mục tiêu, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, riêng lẻ, manh mún... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là khâu liên kết, kết nối các sản phẩm du lịch với các địa phương cửa ngõ còn kém.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thừa nhận: “Việc hợp tác phát triển du lịch trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh tuy đã ký kết văn bản hợp tác, nhưng mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc chứ chưa phát huy trong thực tế.” Cũng bởi thiếu sự liên kết vùng nên việc đầu tư cho du lịch còn dàn trải, thiếu điểm nhấn và thiếu sản phẩm du lịch mang tính đột phá. Điều này khiến cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thiếu kết nối trong xây dựng các tuyến du lịch vùng.

Khai thác lợi thế từ các cửa ngõ

Để đưa du lịch Tây Nguyên khởi sắc trong thời gian tới, liên kết vùng là một trong những yêu cầu bắt buộc cần phải làm, mà trước tiên là phải mở cánh cửa vùng ra bên ngoài thông qua các cửa ngõ Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hoà (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hoà).

Theo chiến lược phát triển du lịch, các địa phương Duyên hải Nam Trung Bộ được định hướng phát triển thành vùng quan trọng của cả nước về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch tìm hiểu di sản và hàng loạt các loại hình du lịch khác. Thực hiện định hướng đó, thời gian qua, các thành phố trọng điểm khu vực như Tuy Hoà, Quy Nhơn, Nha Trang liên tục tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển các dòng sản phẩm du lịch. Với thị trường lớn và có tính ổn định, nếu thành công trong liên kết xâu chuỗi các sản phẩm du lịch của khu vực này, Tây Nguyên có thể sẽ thu hút thêm được nhiều du khách từ các tour du lịch biển tại các địa phương Nam Trung Bộ.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Duc lịch) cho rằng, cần phải liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của các vùng trong cùng một dòng sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm này trong quá trình liên kết. Đẩy mạnh liên kết các sản phẩm trong các dòng sản phẩm giữa các vùng để tạo ra những bộ sản phẩm du lịch tổng hợp. Kết nối các sản phẩm du lịch ở các địa phương có hoạt động du lịch sôi nổi, sản phẩm có quá trình phát triển lâu dài gắn với những sản phẩm du lịch mới ở cấp địa phương .

Đó là các loại hình du lịch tìm hiểu văn hoá cộng đồng (Bana, Ê Đê, Chăm Pa…), du lịch nghỉ dưỡng biển (Nha Trang, Tuy Hoà…) kết hợp với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi Măng Đen (Kon Tum), Pleiku (Gia Lai), Đà Lạt (Lâm Đồng); Du lịch sinh thái rừng gắn với du lịch sinh thái biển, nếu kết hợp theo trục Đông- Tây với nhau trong một khoảng cách địa lý thích hợp,  chắc chắn sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn với thị trường.

Hiện nay, điểm thuận lợi cả 2 khu vực đã được nối với nhau bằng hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Đó là  đường 19 nối Quy Nhơn với Pleiku; đường 25 nối TP Tuy Hoà với Pleiku, đường 26 nối Khánh Hoà với Buôn Ma Thuột; đường ĐT 273 nối Nha Trang với Đà Lạt.

PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định: “Để có thể thực hiện được định hướng phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, cần đánh giá một cách hệ thống và toàn diện các yếu tố liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từng vùng tham gia liên kết. Bên cạnh đó cần xác định rõ định hướng nội dung liên kết.

“Thực hiện liên kết và phân công trên quy mô liên vùng để tạo những sản phẩm du lịch hấp dẫn làm tiền để cho xây dựng các tour du lịch dài ngày, tăng thời gian lưu trú của khách, phát huy hết hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch từng vùng”, ông Lương gợi ý. Cũng theo ông Lương, để tận dụng được lợi thế của các cửa ngõ vùng Tây Nguyên, yếu tố tiên quyết là phải đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với vùng, đặc biệt là hệ thống đường bộ và sân bay.

 
 
Tân Ngọc/ Baodautu.vn