clock

Tài Chính

08:07 13-10-2023

Lãi suất giảm mạnh trên cả hai "mặt trận", tỷ giá USD đồng loạt vượt 24.600 đồng dù NHNN đã hút gần 166.000 tỷ đồng qua tín phiếu

Cả lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động đều có xu hướng giảm trong những ngày qua. Trên thị trường ngoại tệ, giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt vượt mốc 24.600 đồng, trở lại vùng cao nhất từ đầu năm.

Lãi suất giảm mạnh trên cả hai mặt trận, tỷ giá USD đồng loạt vượt 24.600 đồng dù NHNN đã hút gần 166.000 tỷ đồng qua tín phiếu - Ảnh 1.

Sau khi bật tăng mạnh vào những phiên giao dịch đầu tháng 10, lãi suất liên ngân hàng đã quay đầu giảm sâu trong những ngày gần đây.

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 10/10 đã giảm về còn 0,66% từ mức 0,95% ghi nhận vào phiên trước đó (9/10). So với mức cao điểm ghi nhận vào phiên 5/10 (1,32%), lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm một nửa.

Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng giảm như: kỳ hạn 1 tuần giảm từ 1,55% xuống 0,9%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,89% xuống 1,4%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,9% xuống 1,75%.

Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất vay vốn của các ngân hàng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) khi các nhà băng thiếu lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước (mỗi ngân hàng đều phải duy trì một tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc theo quy định). Loại lãi suất này giảm phản ánh thanh khoản của hệ thống dồi dào hơn.

Lãi suất giảm mạnh trên cả hai mặt trận, tỷ giá USD đồng loạt vượt 24.600 đồng dù NHNN đã hút gần 166.000 tỷ đồng qua tín phiếu - Ảnh 2.

Nguồn: SBV

Không chỉ lãi suất trên thị trường 2, lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng tiếp tục giảm trong những ngày gần đây. Mới nhất, VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,3% - thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Trước đó, Vietcombank đã giảm 0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn từ 3 tháng trở lên vào ngày 3/10.

Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử.

Trong bối cảnh lãi suất USD vẫn duy trì ở mức cao, sự sụt giảm của lãi suất VND khiến chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền này bị nới rộng, gây áp lực lên tỷ giá.

Trên thị trường ngoại tệ, giá USD tại các ngân hàng đã đồng loạt vượt mốc 24.600 đồng trong chiều hôm qua, trở lại vùng cao nhất kể từ đầu năm. Hiện Vietcombank – ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - đang niêm yết giá mua – bán USD ở mức 24.240 – 24.610 VND/USD, tăng 60 đồng so với cuối tuần trước.

 

Tỷ giá USD trong nước tăng bất chấp chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh – liên tục giảm kể từ đầu tuần, xuống còn 105,7 điểm (ghi nhận lúc 10h theo MarkerWatch).

Trước đó, sự leo thang của đồng USD trên thị trường quốc tế và chênh lệch lãi suất USD – VND cao kỷ lục được cho là những nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD tăng mạnh vào quý III.

Trong bối cảnh Fed thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trong cuộc họp chính sách tháng 9, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào phiên 21/9 sau hơn 6 tháng tạm ngưng. Với 15 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu, NHNN đã hút ra khỏi hệ thống tổng cộng gần 165.700 tỷ đồng.

Giới phân tích cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.

"Hành động phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động này đối với áp lực tỷ giá", VDSC đánh giá.

Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng USD

Hiện tại, VDSC vẫn giữ quan điểm tỷ giá đang kiểm định lại vùng 24.500 đồng/USD và có thể giảm trở lại vào cuối năm 2023. Rủi ro đối với dự báo là khả năng chỉ số đồng USD tăng mạnh về mức 110, khi đó, NHNN có thể phải can thiệp thông qua bán ngoại tệ và kiềm giữ tỷ giá ở mức này cho đến cuối năm.