clock

KINH TẾ

16:16 09-08-2022

Chứng khoán đảm bảo bằng bất động sản tại Trung Quốc giảm 92% vì khủng hoảng

TTO - Các loại chứng khoán được đảm bảo bằng bất động sản nhà ở của các ngân hàng Trung Quốc đang liên tục mất giá, do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của quốc gia này.

Một dự án bất động sản nhà ở tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: BLOOMBERG

Chứng khoán đảm bảo bằng bất động sản vốn là một công cụ đầu tư tương đối an toàn và phổ biến một thời tại Trung Quốc. Đây là hình thức chứng khoán hóa các khoản vay thế chấp bất động sản, hay còn gọi là chứng khoán hóa bất động sản.

Theo Hãng tin Bloomberg, dữ liệu tổng hợp từ cnabs.com, một trang chuyên theo dõi chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản ở Trung Quốc, cho thấy doanh số bán chứng khoán được đảm bảo bằng bất động sản đã giảm 92% trong năm nay xuống còn 24,5 tỉ nhân dân tệ (3,63 tỉ USD).

Trang này cũng ghi nhận không có chứng khoán nào loại này được phát hành kể từ cuối tháng 2 năm nay, sự vắng bóng dài nhất kể từ năm 2015.

Theo ông Jerry Fang - nhà phân tích của hãng cung cấp dịch vụ tài chính S&P Global Ratings, tình hình trên cho thấy lượng bất động sản đầu vào của loại chứng khoán trên rất ít trong nửa đầu năm 2022, cũng như nhu cầu điều tiết các khoản vay thế chấp của các ngân hàng không còn mạnh.

Ông Fang cho rằng việc bao giờ chứng khoán bảo đảm bằng bất động sản hồi phục ở Trung Quốc còn phụ thuộc vào động lực từ nguồn tài sản thế chấp và lập trường quản lý của chính quyền Trung Quốc.

Theo Bloomberg, tình trạng này cũng phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản chưa từng có tại Trung Quốc. Hàng loạt vụ vỡ nợ kỷ lục của các nhà phát triển bất động sản đã xảy ra, làm tăng rủi ro cho những cá nhân, tổ chức cho vay tại Trung Quốc.

Đặc biệt, người mua dự án căn hộ chưa hoàn thiện tại đây đang đồng loạt tẩy chay thanh toán thế chấp, gây áp lực để chính quyền giải quyết sự đình trệ trong việc thi công.

Theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc, doanh số bán nhà mới giảm 32% trong nửa đầu năm và hoạt động cho vay thế chấp đã chạm mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2016, bất chấp việc nước này đã cắt giảm lãi suất cho các khoản vay mới.

Fitch Ratings cho biết, khoảng 300 tỉ USD chứng khoán đảm bảo bằng bất động sản nhà ở được bán từ năm 2018 đến 2021 tại Trung Quốc. Nhờ đó, quốc gia này đã trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới sau Mỹ

Theo Tuổi Trẻ Online