Thế Giới
08:10 29-09-2023Bị châu Âu đưa vào tầm ngắm, Trung Quốc tìm ra một “thiên đường” để xây nhà máy: Sở hữu tài nguyên pin xe điện “khủng”, là cầu nối đưa xe điện vào Mỹ và EU
Đây sẽ là cầu nối giúp xe điện Trung Quốc dễ dàng thâm nhập vào Mỹ và châu Âu.
Cửa ngõ thuận lợi cho Trung Quốc
Vào tuần trước, CNGR Advanced Material của Trung Quốc cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất vật liệu cực âm ở Maroc để cung cấp pin cho thị trường Mỹ và châu Âu.
Ông Thorsten Lahrs, Giám đốc điều hành của CNGR khu vực châu Âu, nói với Financial Times rằng Maroc đã đạt được “điểm ngọt ngào” cho các nhà sản xuất Trung Quốc muốn phục vụ Mỹ và châu Âu.
Ông cho biết các nhà máy có thể được xây dựng nhanh hơn ở quốc gia Bắc Phi này so với các thị trường mục tiêu khác vốn có quy trình cấp phép kéo dài. Ông cũng cho rằng đây là một triển vọng đầu tư ít rủi ro hơn vì họ có thể chuyển sang xuất khẩu ở nơi khác nếu Mỹ hoặc châu Âu đưa ra các chính sách bảo hộ mới.
“Là người Trung Quốc có nghĩa là phải linh hoạt,” ông nói với Financial Times. “Phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được điều gì đó ở châu Âu. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại như hiện nay, sẽ không có rủi ro nếu bạn không trực tiếp đến Mỹ.”
Maroc đang hưởng lợi khi bắt đầu trở thành cầu nối giữa các công ty Trung Quốc và thị trường phương Tây. Việc các nước chạy đua xây dựng ngành công nghiệp pin sẽ là yếu tố quyết định tương lai ngành ô tô và năng lượng sạch tại quốc gia này.
Maroc ngày càng thu hút các gã khổng lồ ngành pin và xe điện. Vào ngày 24/9 vừa qua, Tập đoàn LG Chem (Hàn Quốc) và Huayou Cobalt của Trung Quốc cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy lọc lithium và vật liệu cathode ở nước này.
Vì Maroc là đối tác thương mại tự do của Mỹ nên nguyên liệu thô của nước này được tính vào các mục tiêu tìm nguồn cung ứng cần thiết cho xe điện bán ở Mỹ để nhận được khoản trợ cấp lên tới 7.500 USD theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Joe Biden.
Kevin Shang, nhà phân tích pin cấp cao tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết: “IRA là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong quá trình khử cacbon và các công ty Trung Quốc không muốn bỏ lỡ bữa tiệc này bất chấp những khó khăn khi đầu tư trực tiếp vào thị trường Mỹ”.
Tiềm năng của Maroc
Maroc - quốc gia cũng có quan hệ thương mại mạnh mẽ với châu Âu, sở hữu 70% trữ lượng phốt phát của thế giới. Đây là thành phần quan trọng trong các loại pin rẻ hơn, tầm thấp mà Trung Quốc đang thống trị sản xuất toàn cầu.
Cho đến nay, Indonesia là quốc gia giàu tài nguyên kim loại pin và thu hút đầu tư vào nhà máy chế biến, pin và xe điện nhưng Maroc lại có lợi thế hơn khi có thể cung cấp một lộ trình thuận lợi cho các công ty Trung Quốc tiếp cận cả thị trường Mỹ và châu Âu.
Các công ty Trung Quốc hiện nay vốn đang đối mặt nguy cơ bị chặn khỏi thị trường Mỹ và EU. Các nhà lập pháp ở Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng đề xuất của Ford về việc cấp phép công nghệ từ nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới CATL cho một nhà máy ở Michigan. Trong khi đó, EU trong tháng này đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.
Được thành lập vào năm 2014, CNGR được niêm yết tại Thâm Quyến là nhà cung cấp cực âm gốc niken lớn nhất thế giới, là một trong những thành phần chính của pin với 23% thị phần toàn cầu. Khách hàng của họ bao gồm Tesla, CATL và LG Chem.
Lahrs cho biết việc đảm bảo giấy phép môi trường ở châu Âu sẽ mất vài năm sau khi trải qua các thủ tục kháng cáo và tòa án. Ngược lại, ở Maroc “chúng tôi có thể sẽ động thổ vào tháng tới”, ông nói.
Nhà máy mà CNGR sẽ cùng đầu tư với Al Mada, một tập đoàn thuộc sở hữu của hoàng gia Maroc, sẽ tạo ra đủ nguyên liệu cho 1 triệu xe điện mỗi năm. Lahrs nói thêm rằng có tiềm năng đáng kể để mở rộng hơn thế.
Tin liên quan
- Tỷ trọng cổ phiếu tài chính và bất động sản trên sàn chứng khoán Việt Nam vượt trội các thị trường hàng đầu thế giới
- Nvidia trước cam kết đưa Việt Nam thành quê hương thứ 2: Doanh thu tăng gấp 3 lần sau 5 năm, giá cổ phiếu tăng 170% so với đầu năm
- Một loại nông sản từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Nhập khẩu tăng hơn 2.000% trong 10 tháng đầu năm, chỉ có 12 quốc gia đủ hàng để xuất khẩu
- Một mặt hàng của Việt Nam tung hoành khắp 2/3 thế giới: Mỹ, Trung Quốc đua nhau gom hàng, thu về hàng chục tỷ USD kể từ đầu năm