Mỗi tháng, 1 chiếc máy bay riêng có thể đốt hàng trăm triệu đồng của các đại gia.
Tại Việt Nam, chủ nhân của chiếc máy bay thương gia đầu tiên là ông Đoàn Nguyên Đức -Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai. Ông Đức chính là người đầu tiên mở màn trào lưu "tậu"máy bay riêng của giới đại gia Việt.
Năm 2008, ông Đức bỏ 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350, số seri FL-417, có sức chứa 12 người, do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất, động cơ Pratt &Whitney PT 6-60A (Canada).
Chiếc máy bay này ban đầu được phi công nước ngoài lái, sau đó mới luân chuyển cho người Việt. Thời điểm đó, bầu Đức là một trong những doanh nhân có số tài sản “khủng” nhất, là người đứng đầu trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Lý do bỏ hàng triệu USD để "tậu" máy bay, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết để phục vụ công việc.
Được biết, chiếc King Air là loại máy bay động cơ cánh quạt, có vận tốc tối đa 540 km/h, chỉ bay được ở tầm thấp và tầm bay 3.000 km.
Đường bay chủ yếu của King Air 350 là kết nối từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia lai ở trong nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmmar với tầm bay hơn 2.000 km.
Ông Đức chia sẻ, mỗi tháng, ông tốn khoảng 300 triệu đồng cho chiếc phi cơ riêng này.
Năm 2015, ông Đức đã đổi từ chiếc Beechcraft King Air 350 quen thuộc sang chiếc máy bay phản lực Legacy 600, có giá rao bán là 27 triệu USD.
Loại máy bay này có 13 chỗ ngồi cao cấp, sử dụng động cơ 2× Rolls-Royce AE 3007/A1P,33.0 kN (8.810 lbs). Embraer Legacy 600 là một loại máy bay phản lực thương gia bắt nguồn từ dòng máy bay phản lực thương mại Embraer ERJ 145, có trọng lượng 16.000 kg, dài 26m, có thể đạt tốc độ tối đa là 834 km/h.
Sau ông Đức, năm 2010, đến lượt ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng đã bỏ ra 17,42 tỷ đồng để mua máy bay riêng.
Chiếc máy bay trực thăng đầu tiên mà ông Long sở hữu thuộc mẫu EC 135P2i, đã được đưa về Việt Nam với giá mua ban đầu lúc đó vào khoảng 3 triệu USD, cộng các loại thuế và chi phí phát sinh nên tổng số tiền phải chi lên đến gần 5 triệu đôla Mỹ (tương đương 96 tỷ đồng).
Sau hơn một năm sử dụng, ông Long đã bán chiếc máy bay 6 chỗ này cho chính đơn vị mà ông đã mua trước đây trước đây và tậu thêm chiếc trực thăng mới EC 155B1 mang số hiệu VN-D668.
Chiếc máy bay này có thể chở tối đa 12 người thay vì chỉ chở được 3-4 người như chiếc máy bay mà ông Long đã sử dụng trước đó. Ngoài sự tiện nghi về nội thất, số ghế ngồi nhiều hơn, chiếc trực thăng mang mã VN-D668 này có khả năng bay xa hơn...
Cuối năm 2011, ông Cao Văn Sơn - chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh (Green Planet)đã lên kế hoạch nhập khẩu 10 chiếc máy bay tư nhân loại nhỏ, có giá từ 90.000 USD trở lên. Tuy nhiên, do vướng mắc tại nhiều khâu nên đến tháng 8/2013, Công ty Hành tinh xanh mới được chấp thuận nhập khẩu 4 chiếc máy bay.
Theo ông Sơn, những chiếc máy bay của Green Planet là loại 2 chỗ ngồi, hai trong số đó do Cộng hòa Czech sản xuất, còn lại xuất xứ từ Mỹ. Trong số 10 máy bay này, thời điểm đó, chiếc có giá thấp nhất 2 triệu USD và chiếc có giá cao nhất 14 triệu USD. Mức giá này chưa tính thuế nhập khẩu, VAT...